Bệnh chắc ăn

Mark Zuckerberg, ông chủ facebook mà chúng ta đang kết nối với nhau, được xem là một bộ óc xuất sắc của nhân loại thời đại chúng ta đang sống.
Và câu nói nổi tiếng của anh " Rủi ro lớn nhất là không dám rủi ro. Trong thế giới thay đổi nhanh chóng hiện nay, có một cách làm đảm bảo bạn sẽ thất bại trong mọi thứ, chính là không dám mạo hiểm".
rui-ro-lon-nhat-la-khong-dam-rui-ro

Như vậy, tâm lý "chắc ăn" sẽ chứa đựng nhiều rủi ro hơn "mạo hiểm". Một con tàu ra khơi sẽ an toàn hơn việc nó nằm ở cảng. Sóng thần không gây hại ngoài khơi, nó chỉ tàn phá đất liền, nơi con tàu tưởng như bình yên trú ngụ.
Thế giới đã khác, cách tiếp cận của giới trẻ phải khác. Đặc biệt là việc chọn nghề để học và chọn việc để làm, để khởi nghiệp.
Hình mẫu ngoan hiền, vở sạch chữ đẹp, "khi đi em hỏi khi về em chào, miệng em chúm chím" không được đánh giá cao nữa. Hình mẫu cá tính, đột phá, quyết đoán, làm khác, nghĩ khác, xê dịch, mạo hiểm, thay đổi...(nhưng không hư) là hình mẫu giới trẻ mà thế giới đang cần. Nhưng thật tiếc là cái này lại vô cùng hiếm ở châu Á. Chữ "ngoan" là một chữ không có tương đương trong tiếng Anh, tiếng Pháp. Ngoan ở châu Á nghĩa là biết vâng lời, obedient. "Không hư" mới là từ mới có giá trị hơn. Hãy nhận 1 bạn trẻ không hư vào làm, bạn sẽ được việc hơn 1 bạn trẻ ngoan (trừ việc văn phòng, thư ký).
Nhiều bạn trong CLB khởi nghiệp của Tony, khi yêu cầu thay đổi kiểu tóc, đầu đinh hay nhuộm mới, liền nói "mẹ mắng chết". Kêu lên Đà Lạt họp khảo sát farm trên đó thì chỉ có 4/10 bạn đi, 6/10 còn lại "bạn gái không đồng ý". Chưa có tỷ phú nào rón rén hỏi mẹ "mẹ ơi, con mở công ty nhé" rồi bà mẹ nạt "không được" cái ngồi khóc. Làm ăn, mua bán với thể loại, tới đoạn quyết định thì "để về hỏi lại vợ" thì thôi, chỉ là cò con. Công ty mà chồng giám đốc, vợ làm kế toán để "chắc ăn" thì chỉ mãi mãi nằm ở quy mô trách nhiệm hữu hạn doanh số tầm tầm, vì có những cơ hội kinh doanh, "bà kế toán" không duyệt vì sợ mất.
Có bạn trẻ "chân trong chân ngoài", ớn chỗ làm cũ đến tận óc nhưng vẫn cắn răng đeo bám, không dám nghỉ. Phải lén lút trốn ra ngoài phỏng vấn, vừa đậu xong là về nộp đơn liền, nói "sức khỏe không cho phép, cho em xin nghỉ việc ở đây". Tony đánh giá cao các bạn "không thích nữa thì bỏ, kiếm việc khác phù hợp", trải nghiệm cảm giác thất nghiệp. Đó mới là người tự tin, tự tin vào năng lực của mình.
Người muốn làm chủ mà cũng sợ mất lương, thật kỳ lạ. Có bạn vẫn đi làm, quyết khởi nghiệp vào ban đêm hay cuối tuần, hoặc chỉ buôn bán online, vì sợ "khởi nghiệp thất bại mà việc cũng mất", đợi khởi nghiệp thành công mới xin nghỉ việc, và nghĩ như vậy yên tâm. Ông chủ ổng thấy cứ thậm thụt thời gian lén lén lút lút nghe điện thoại riêng thì ổng đuổi. Về nhà thì khởi nghiệp cũng dở dang, bị căng thẳng thần kinh nên thôi, đi xin việc khác.
Có bạn quyết tâm du học, luyện IELTS, SAT để xin học bổng nước ngoài, mà cũng sợ không được, luyện luôn toán lý hoá để đậu ĐH tốp trên trong nước thì...cả 2 đều không đạt. Có bạn xin Tony cho học bổng đi du học, tới đoạn yêu cầu viết tự luận và nộp hồ sơ thì "thôi con không đi ngay được, con đang mua nhà trả góp. Trước khi đi du học, con phải có 1 cái nhà ở đây. Con trả góp 10 năm nữa là xong". Du học cũng muốn mà nhà cửa cũng muốn, vậy phải nàm thao?
Thế giới của người thành đạt không có chữ "ăn chắc mặc bền". High risk, high return. Ai rủ mình kinh doanh mà "đảm bảo không có rủi ro gì" thì một là lừa đảo, hai là đứa thơ ngây, mới bước ra từ tháp ngà lý luận. No risk thì no return. Không có kinh doanh đầu tư nào mà "100% chắc thắng". Cuộc đời là chuỗi những sự lựa chọn, được A mất B, hoặc mất A được B, tiếng Anh gọi là trade-off.
Còn nếu bạn không có tính mạo hiểm, sẵn sàng trade-off, thì đừng ước mơ xa xôi. Sẽ khổ tâm, khổ trí.
-TnBS-

I'm Huy and the owner of this blog. I like design websites, like programming, like listening pop music, enjoy sharing. All feedback, problems, please contact me!

Xem thêm

Share this

Lastest news

Related Posts

Previous
Next Post »

1 nhận xét:

nhận xét